Tiếng la om sòm của ông Lê Thanh Minh (74 tuổi) vang vọng cả dãy hàng lang bệnh viện. Vừa đi vứt rác, bà Phan Thị Tư (70 tuổi) lật đật chạy vào để hỏi han, nhưng rồi bà cũng bất lực vì không có cách nào khuyên nhủ. Ông Minh cứ như vậy đã gần một tháng rưỡi, la lối, nói nhảm, hát hò… bất kể ngày đêm.

Tấm lưng đã còng, sức vóc không đủ, mỗi lần lật nghiêng người cho ông Minh, thấy chồng kêu đau, bà Tư lại run bần bật. Chứng kiến chồng nằm liệt, mê sảng, bà vừa mệt, vừa thương, nhưng cũng có khi bật cười mà thở dài bất lực.

Dù lưng và cùng cụt bị loét, nhưng mỗi lần bà Tư giúp nằm nghiêng, ông Minh lại la oai oái.

Bà Tư bần thần: “Trước khi bị té, tinh thần ông ấy không có biểu hiện bất thường. Tôi cũng không biết có phải mê sảng hay không, nhưng ông ấy nói chuyện như sáo, từ chuyện người sống tới chuyện người đã khuất, có khi nói cả đêm, nói đến khô miệng mới thôi”.

Hơn 2 tháng trước, sau khi tập thể dục buổi sáng, ông Minh bị té ngã dẫn đến dập tủy cổ. Đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ông được xét nghiệm thì dương tính với Covid-19, buộc phải đưa vào điều trị tại khu cách ly. Nằm ở đó khoảng 1 tháng, hết Covid-19 ông mới được gặp lại người nhà. Sau đó, ông được chuyển sang Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, bà Tư cũng đi theo để chăm sóc, đến nay đã gần một tháng rưỡi.

Ông Minh bị té dập sống cổ, lại từng mắc Covid-19 khiến sức khỏe suy kiệt, nằm liệt trên giường bệnh.
Bà Tư tất tả chạy vào khi nghe tiếng kêu la của chồng.

Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống cho biết, ông Minh nhập viện trong tình trạng chấn thương cột sống cổ, dập tủy cổ, yếu liệt tứ chi, loét vùng lưng và cùng cụt, thể trạng suy kiệt. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ tập trung nâng tổng trạng, chăm sóc vết loét và tập phục hồi chức năng.

Bác sĩ đánh giá, do tuổi tác ông Minh đã cao, thể trạng yếu, thời gian đầu lại không hợp tác với bác sĩ nên phục hồi khá chậm. Dự kiến, ông phải điều trị lâu dài, tập phục hồi chức năng và phụ thuộc vào người nhà chăm sóc.

Thế nhưng, hơn 1 tháng nay, chỉ có một mình bà Tư ở bệnh viện chăm sóc chồng. Gia đình neo đơn, chỉ có một người con gái duy nhất đang bận đi làm để kiếm tiền trang trải. Nhiều hôm, bà Tư kiệt sức nhưng vẫn phải ráng chống đỡ, sợ gọi con gái vào thay phiên sẽ không có ai đi làm. Anh em tuy đông nhưng đều có gia đình riêng, cũng đã lớn tuổi, ai lo phận nấy.

Lúc mới chuyển sang đây, ông ấy bị loét ở phần lưng và cùng cụt, nhưng không chịu nằm nghiêng. Cứ trở mình là ông ấy kêu đau, rồi la oai oái. Tay chân bị liệt hết, có lúc còn co giật. Một mình tôi chăm sóc mệt lắm chứ, nhưng biết làm sao”, cụ bà 70 tuổi tủi phận.

Cả cơ thể ông Minh gầy trơ xương, chỉ có 2 bàn tay sưng phù.

Gia đình bà Tư là hộ nghèo “bền vững” ở địa phương. Hơn 20 năm trước, họ được hỗ trợ căn chung cư cũ ở cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nhiều năm nay, căn hộ xuống cấp, bong tróc, mưa dột nhưng vẫn không có điều kiện để sửa sang.

Ông Minh từng là thủ kho trong Dinh Độc lập nhưng nghỉ hưu non, nhận trợ cấp 1 lần, số tiền ít ỏi chẳng mấy chốc mà cạn. Hơn 10 năm nay, ông phụ vợ trông nom mấy đứa trẻ trong xóm để có tiền sinh hoạt, sống lay lắt qua ngày.

Giờ ông nằm viện, mọi chi phí đổ dồn vào người con gái. Chị Lê Phan Minh Ánh đang làm pha chế trong thành phố. Thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 5-6 triệu đồng. Từ ngày ông đổ bệnh, đến nay, chi phí cũng đã 30-40 triệu đồng, chị Ánh phải hỏi vay mượn của những người thân quen. Tuy nhiên, đối với chi phí nằm viện lâu dài hàng chục triệu đồng sắp tới, chị vẫn chưa có cách nào xoay sở.

Chị Ánh nghẹn ngào: “Bác sĩ dự kiến riêng tiền viện phí đã 20 triệu đồng/ tháng, gấp 4 lần thu nhập của tôi luôn rồi, chưa kể tiền tã, sữa và thuốc mua ở ngoài. Thật sự tôi không biết phải làm sao bây giờ, cùng đường thì mẹ con tôi chỉ còn cách đưa ba về”.

Phải chăm sóc chồng nằm liệt cả ngày lẫn đêm khiến bà Tư kiệt sức, nhưng bà vẫn gắng gượng chịu đựng, chỉ mong ông khỏe lại.

Nghe chị Ánh trải lòng, chúng tôi lại nhớ tới lời khẩn cầu tha thiết của bà Tư: “Tôi chỉ cầu mong ông ấy vượt qua vận hạn lần này. Dù ông ấy ngồi xe lăn tôi cũng mừng lắm rồi, không dám ước ao sẽ khỏe mạnh như xưa”.

Thế nhưng, với sức khỏe của ông Minh hiện tại, để có thể phục hồi cần một quá trình lâu dài, tốn kém nhiều chi phí. Mà cũng chỉ có sự tương trợ của những trái tim nhân ái mới giúp ông Minh được tiếp tục điều trị lâu dài.

Khánh Hòa

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1.     Gửi trực tiếp:  Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp hoặc bà Phan Thị Tư hoặc chị Lê Phan Minh Ánh; Địa chỉ: 331 lô U cư xá Thanh Đa, P.27, Q. Bình Thạnh, TP.HCM; Điện thoại: 0797754188 hoặc 0986295750 (chị Ánh).

2.     Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2022.128 (Ông Lê Thanh Minh)

Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET

- The currency of bank account: 0011002643148

- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam

- SWIFT code: BFTVVNV X

- Qua TK ngân hàng Vietinbank:

Chuyển khoản: Báo VietNamNet

Số tài khoản: 114000161718

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch

- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Swift code: ICBVVNVX126

3.     Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. Điện thoại: 19001081.

Chồng nhiễm trùng uốn ván chưa hết nguy hiểm, vợ vừa vay lãi nóng đã ngã bệnhTròn 1 tháng chú Tấn nằm viện, cô Loan ở nhà, vừa chăm 3 đứa cháu ngoại cho con gái góa chồng, vừa chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi. Trong khi sức khỏe của chú Tấn còn chưa ổn định, bất ngờ cô cũng ngã quỵ.